TP Hồ Chí Minh là nơi có hoạt động kinh doanh, buôn bán luôn nhộn nhịp, lượng hàng hóa trung chuyển, tập kết tại các chợ, cơ sở kinh doanh rất lớn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, nguy cơ cháy, nổ rất dễ xảy ra nếu ý thức và các biện pháp về phòng, chống cháy, nổ không được nâng cao, thực hiện thường xuyên, liên tục…
Cháy, nổ luôn là nỗi lo lớn nhất đối với người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN). Hậu quả của các vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài sản đối với người dân, DN mà còn có thể gây thiệt hại về người. TP Hồ Chí Minh có quy mô nền kinh tế rất lớn; lượng hàng hóa tập kết, lưu thông, nhất là lúc cao điểm dịp Tết, rất nhộn nhịp, phong phú, đa dạng khiến nguy cơ cháy, nổ luôn là nỗi lo thường trực.
Mới đây, một xưởng gỗ rộng hàng trăm mét vuông ở quận 12 bất ngờ bốc cháy trong đêm khiến gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Một khu sản xuất giày rộng gần 500 m2 trên đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cũng bất ngờ bị cháy vào buổi tối. Thời điểm đó, nhiều công nhân đang làm việc. Dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã kịp thời dập lửa, không để thiệt hại về người, nhưng với số tài sản bị thiêu rụi khiến các đơn hàng mà công ty đang thực hiện cho đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để trở lại hoạt động, chắc chắn DN này phải tốn rất nhiều kinh phí.
Tại các chung cư cũ, hệ thống điện xuống cấp, trang thiết bị phòng cháy không bảo đảm, nhiều căn hộ rào kín ban công bằng lưới sắt,… luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh (PC07) thường xuyên khuyến cáo người dân đang sinh sống tại chung cư nâng cao ý thức PCCC trong từng căn hộ, phổ biến cho các thành viên trong gia đình về kỹ năng thoát hiểm. Tuy nhiên, với hệ thống cơ sở vật chất, nhất là đường dây, thiết bị điện cũ kỹ thì nguy cơ cháy, nổ vẫn là điều mà cư dân ở đây lo lắng.
Qua khảo sát cho thấy, công tác PCCC ở nhiều chợ truyền thống dù vẫn được thực hiện, nhưng vào đợt buôn bán dịp Tết với khối lượng hàng hóa tập kết, lưu thông lớn khiến không ít tiểu thương lơ là, chểnh mảng. Tại nhiều chợ, tiểu thương xếp hàng hóa bịt kín lối thoát hiểm; các bình chữa cháy bị hàng hóa lấp kín hoặc rất khó tiếp cận.
Theo PC07, năm 2020, thành phố xảy ra hơn 270 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương 22 người, thiệt hại tài sản ước khoảng 7,9 tỷ đồng. Qua phân tích, ngành chức năng nhận định nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện tại các nhà dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, DN. Trong đó, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi công năng sử dụng công trình làm tăng thêm phụ tải mà không kịp thời cải tạo, nâng cấp hệ thống dây dẫn, thiết bị bảo vệ, tăng cường các điều kiện an toàn về điện, cho nên dẫn đến các sự cố trong sử dụng… Các chợ, trung tâm thương mại là những nơi dễ xảy ra cháy nổ nhất cho nên PC07 đang phối hợp UBND các quận, huyện; sở, ngành tập trung kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm. Theo đó, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, hoặc trực tiếp ảnh hưởng điều kiện thoát nạn như tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất cao, hành vi đốt vàng mã, thắp hương, hút thuốc, sắp xếp bố trí hàng hóa trên lối thoát hiểm. Thậm chí, sẽ tạm đình chỉ hoạt động nếu vi phạm tái diễn, tồn tại kéo dài…
Trong các giải pháp đang triển khai về PCCC, cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, DN. Thực tế cũng cho thấy, sự lơ là, chủ quan của người dân, DN đối với “giặc lửa” là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn. Công tác tuyên tuyền cũng cần sự đồng bộ, bền bỉ để các kiến thức, ý thức về PCCC đi sâu vào từng khu dân cư, DN. Một khi từng người dân đã ý thức rõ về hiểm họa cháy, nổ sẽ chủ động triển khai, thực hiện tốt các biện pháp phòng, tránh.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức chế tài xử phạt các cơ sở, DN lơ là đối với vấn đề phòng, chống cháy, nổ. Ngoài ra, để giảm tới mức thấp nhất các vụ cháy, nổ, các cơ quan chức năng cũng cần sự đầu tư về cơ sở vật chất tốt hơn; đào tạo, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác chữa cháy ngày càng chuyên nghiệp để phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ trong mọi tình huống…